Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Tài chính hành vi

1. Investment Anchoring
Mô tả: Các nhà đầu tư thường đầu tư vào cổ phiếu của những công ty có sự rớt giá mạnh trong một thời gian ngắn. Trong trường hợp này, các nhà đầu tư đó nghĩ rằng, ở đỉnh cao gần nhất, cổ phiếu của công đó đã rất thành công và dẫn đến kết quả là họ ảo tưởng sự rớt giá trở lại mở ra một cơ hội để mua cổ phiếu tốt với giá hời. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng đa số giá trị của cổ phiếu đó thường sẽ giảm tiếp do sự thay đổi các yếu tố cơ bản của công ty.
Ví dụ: Giả sử công ty ABC có mức tăng trưởng doanh thu rất nhanh vào năm ngoái, điều này làm giá cổ phiếu của công ty tăng từ mức 25$ lên 80$. Nhưng thật không may, sau đó một khách hàng lớn của công ty, đóng góp 50% trong tổng doanh thu, ra quyết định không tiếp tục ký hợp đồng mới với công ty ABC nữa. Sự kiện này làm giá cổ phiếu rớt từ 80$ về 40$. Lúc này, các nhà đầu tư cho rằng cổ phiếu của công ty đã thấp hơn giá trị thực và lao vào mua với ảo tưởng mua được giá hời.
Khuyến nghị: để tránh gặp phải tâm lý này, nhà đầu tư, dựa vào kiến thức chuyên sâu của mình, phải nghiên cứu về công ty qua thật nhiều khía cạnh, từ đó hiểu rõ về công ty và ra quyết định đầu tư.

2. Mental Accounting
Mô tả: nhà đầu tư chia tiền đầu tư của mình thành 2 phần: một dùng để đầu tư vào danh mục đầu tư an toàn và một dùng để dành cho danh mục mang tính đầu cơ, nhằm hạn chế lỗ khi danh mục đầu cơ bị thua lỗ (lúc này danh mục đầu tư an toàn có lời sẽ bù đắp sang) và gia tăng lãi khi danh mục đầu cơ có lợi nhuận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng đa số lợi nhuận ròng của các nhà đầu tư dạng này cũng không khác hơn nếu họ chỉ dùng tiền cho một loại danh mục nhất định.
Khuyến nghị: Phải nhớ "tiền nào cũng là tiền", tiền mà bạn tiêu xài cũng giống như tiền mà bạn làm ra. Phải biết tiết kiệm, góp gió thành bão.

3.  Confirmation Bias
Mô tả: nhà đầu tư thường có xu hướng tìm kiếm thông tin hỗ trợ cho ý kiến đầu tư của họ hơn là những thông tin có tính chất phản bác lại ý kiến đầu tư đó. Điều này dẫn đến việc họ luôn tìm được khá nhiều thông tin hỗ trợ còn những thông tin phản bác lại rất ít được để tâm hoặc bị phớt lờ. Do vậy, nhà đầu tư hiển nhiên sẽ gặp rủi ro hơn.
Khuyến nghị: nhà đầu tư nên tìm những người có quan điểm bất đồng và cố gắng lắng nghe ý kiến phản bác của họ. Nếu sau khi nghe, bạn vẫn thấy tự tin là mình đúng thì hãy tiến hành đầu tư.

4. Gambler's Fallacy 
Mô tả: giả sử bạn tung đồng xu liên tiếp 20 lần và nó đều xuất hiện mặt ngửa, lúc này từ lần tung thứ 21 trở đi, các con bạc thường sẽ đặt cược cho mặt xấp cho đến khi nó xuất hiện mới thôi. Tương tự như thế, các nhà đầu tư có khuynh hướng là tất toán trạng thái để thu lời của mình khi giá tăng một chuỗi liên tiếp khiến họ tin rằng giá trong tương lai khó mà tăng được nữa. Ngược lại cho tình huống giá giảm một chuỗi liên tiếp, nhà đầu tư sẽ có khuynh hướng mua vào vì tin rằng giá khó có khả năng giảm nữa.
Khuyến nghị: nhà đầu tư nên mua khi tin rằng xu hướng đi lên kéo dài đó là có lý, còn xu hướng giảm giá tức thời là phi lý. Ngược lại, nhà đầu tư nên bán khi tin rằng xu hướng đi xuống kéo dài đó là có lý, còn xu hướng tăng giá tức thời là phi lý.

5. Overconfidence Investing
Mô tả: nhà đầu tư tự tin thái quá có khuynh hướng tin rằng họ giỏi hơn tất cả mọi người trong việc chọn cổ phiếu tốt nhất và đúng lúc nhất để mua bán, dẫn đến họ thường mua bán nhiều hơn so với những nhà đầu tư kém tự tin hơn họ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, những nhà đầu tư tự tin thái quá, trung bình, có mức lợi nhuận thấp hơn lợi nhuận của thị trường.
Khuyến nghị: nên nhớ rằng, các nhà quản lý giỏi nhất luôn tin rằng mỗi ngày mở ra một thách thức mới và phương pháp đầu tư của họ cũng phải được tinh chỉnh để phù hợp với thách thức mới đó. 

6. Prospect Theory
Mô tả: người ta thường không mong muốn gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất (họ có khuynh hướng cho rằng lãi suất ngân hàng là quá thấp không bằng với lợi nhuận sinh ra từ các khoản đầu tư - mặc dù chưa chắc họ đã kiếm được tiền lời hoặc thậm chí là thua lỗ khi đầu tư), và từ chối làm việc thêm giờ bởi họ phải trả nhiều thuế hơn, mặc dù họ biết rằng họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn sau khi đã thanh toán thuế nếu làm thêm giờ (họ có khuynh hướng cho rằng số tiền kiếm thêm được không đủ bù đắp cho giá của cái cảm giác phải trả thêm thuế) . Tương tự như vậy, nhà đầu tư có khuynh hướng nắm giữ cổ phiếu thua lỗ trong thời gian dài và bán cổ phiếu lãi quá sớm. Như vậy họ đã hành động dựa trên cảm giác hơn chứ không phải dựa trên lý trí
Khuyến nghị: để tránh tình huống trên bạn nên hành động theo các trường hợp sau:
a) Trường hợp, bạn phải đối mặt với hai sự lựa chọn trong suy nghĩ: thứ nhất, một khoản lợi nhuận lớn (+100$) ở một địa điểm và thứ hai, cũng một khoản lợi nhuận lớn (+100$) nhưng ở hai địa điểm khác nhau (mỗi địa điểm +50$)--> bạn nên chọn lối suy nghĩ thứ hai.
b) Trường hợp, bạn phải đối mặt với hai sự lựa chọn trong suy nghĩ: thứ nhất, một khoản thua lỗ lớn (-100$) một lần và thứ hai, cũng một khoản thua lỗ (-100$) nhưng hai lần khác nhau (mỗi lần 50$)--> bạn nên chọn lối suy nghĩ thứ nhất vì "thà đau một lần thôi" :-).
c) Trường hợp, bạn phải đối mặt với hai sự lựa chọn trong suy nghĩ: thứ nhất, một khoản lợi nhuận lớn hay thua lỗ nhỏ (+100$ hay -55$) và thứ hai, một khoản lợi nhuận nhỏ (+45$) --> bạn nên chọn lối suy nghĩ thứ hai vì coi chừng "tham thì thâm". :-(
d) Trường hợp, bạn phải đối mặt với hai sự lựa chọn trong suy nghĩ: thứ nhất, một khoản thua lỗ lớn hay lợi nhuận nhỏ (-100$ hay +55$) và thứ hai, một khoản thua lỗ nhỏ (-45$) --> bạn nên chọn lối suy nghĩ thứ hai vì "còn tiền còn cơ hội". ;-(


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét