Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Nội dung phép biện chứng duy vật (p.II)

3. Các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật
Quy luật: là những mối liên hệ khách quan, bản chất, tất nhiên, chung, lặp lại giữa các sự vật, hiện tượng và chi phối sự vận động, phát triển của chúng.Dựa trên quy luật, phương pháp luận xây dựng các quy tắc, phương pháp để chỉ đạo hoạt động của chủ thể trong quá trình nhận thức và thực tiễn. Có ba quy luật phổ biến cơ bản của phép biện chứng duy vật, đó là: quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập; quy luật chuyển hóa từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất và ngược lại; và quy luật phủ định của phủ định.
3.1 Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập
  • Mọi sự vật đều liên hệ lẫn nhau và luôn vận động, phát triển; Vận động, phát triển do các mâu thuẫn gây ra; Các mâu thuẫn biện chứng khác nhau tác động không giống nhau đến quá trình vận động và phát triển của sự vật.
  • Mỗi mâu thuẫn biện chứng đều trải qua ba giai đoạn: sinh thành (sự xuất hiện của các mặt đối lập) - hiện hữu (sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập) - giải quyết (sự chuyển hóa của các mặt đối lập).
  • Mâu thuẫn biện chứng được giải quyết, cái cũ mất đi, cái mới ra đời với những mâu thuẫn biện chứng mới hay thay đổi vai trò tác động của các mâu thuẫn biện chứng cũ.
  • Mâu thuẫn biện chứng là nguồn gốc của mọi sự vận động và phát triển. Vận động và phát triển xảy ra trong thế giới vật chất mang tính tự thân.
3.2 Quy luật chuyển hóa từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất, và ngược lại
  • Mọi sự vật đều liên hệ lẫn nhau và luôn vận động, phát triển; Mọi sự vật nằm trong quá trình vận động, phát triển đều được đặc trưng bằng chất (tính quy định vốn có của sự vật, đặc trưng cho sự vật là nó, giúp phân biệt sự vật này với các sự vật khác) và lượng (tính quy định vốn có của sự vật, biểu thị về mặt quy mô, tốc độ, trình độ của sự vận động, phát triển của sự vật cũng như các thuộc tính (chất) của nó); Chất và lượng thống nhất với nhau trong độ (giới hạn mà trong đó sự thay đổi về lượng chưa làm cho chất thay đổi căn bản).
  • Sự vật bắt đầu vận động, phát triển bằng sự thay đổi về lượng (một cách liên tục hay tiệm tiến); nếu lượng chỉ thay đổi trong độ, chưa vượt quá điểm nút thì chất không thay đổi căn bản; khi lượng thay đổi vượt qua độ, quá điểm nút thì chất sẽ thay đổi căn bản, bước nhảy (sự chuyển hóa về chất do những thay đổi về lượng trước đó gây ra) nhất định sẽ xảy ra.
  • Bước nhảy làm cho chất thay đổi (một cách gián đoạn hay đột biến); Chất (sự vật) cũ mất đi, chất (sự vật) mới ra đời; Chất mới gây ra sự thay đổi về lượng (làm thay đổi quy mô tồn tại, tốc độ, nhịp điệu vận động, phát triển của sự vật).
  • Sự thay đổi về lượng gây ra sự thay đổi về chất, và sự thay đổi về chất gây ra sự thay đổi về lượng là phương thức vận động, phát triển của mọi sự vật trong thế giới. Vận động và phát triển xảy ra trong thế giới vật chất vừa mang tính liên tục vừa mang tính gián đoạn.
3.3 Quy luật phủ định của phủ định
  • Mọi sự vật đều liên hệ lẫn nhau và luôn vận động, phát triển; phát triển là một chuỗi các lần phủ định biện chứng (một khâu của quá trình tự phát triển của sự vật đưa đến sự ra đời của các mới tiến bộ hơn so với cái cũ lỗi thời bị phủ định) có gắn liền cới việc giải quyết mâu thuẫn và thực hiện bước nhảy về chất xảy ra bên trong sự vật.
  • Là vòng khâu liên hệ giữa cái mới với cái cũ, cái mới (cái được khẳng định) ra đời trên cơ sở loại bỏ những yếu tố tiêu cực, đồng thời lưu giữ, cải tạo những yếu tố tích cực của cái cũ (cái bị phủ định); Phủ định biện chứng mang tính khách quan - nội tại, tính kế thừa - tiến lên.
  • Qua một số lần phủ định biện chứng xuất hiện phủ định của phủ định, xác lập lại cái cũ (khẳng định lại cái đã bị phủ định) ở một trình độ cao hơn; Phủ định của phủ định mang tính chu kỳ hở.
  • Phủ định của phủ định vạch ra khuynh hướng xoắn ốc tiến lên của mọi sự vận động và phát triển xảy ra trong thế giới vật chât.

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Nội dung phép biện chứng duy vật (p.I)

1. Khái quát về phép biện chứng:
a) Phép siêu hình và phép biện chứng
Phép siêu hình: là một phương pháp triết học đòi hỏi phải xem xét sự vật, hiện tượng trong sự cô lập, tách biệt, đứng im, bất động; còn nếu có sự liên hệ, vận động, thay đổi thì đó chỉ là sự liên hệ bên ngoài, sự vận động, thay đổi đơn thuần về lượng...
Phép biện chứng: là một phương pháp triết học đòi hỏi phải xem xét sự vật, hiện tượng trong sự liên hệ, ràng buộc lẫn nhau, luôn vận động, phát triển. Phép biện chứng còn là một lý luận triết học bàn về mối liên hệ và sự vận động, phát triển của vạn vật xảy ra trong thế giới.
b) Các hình thức lịch sử của phép biện chứng
b.1) Phép biện chứng chất phác: 
  • Phép biện chứng chât phác xuất hiện trong nền triết học cổ đại, nó được hiểu như: Cách nhìn nhận thế giới theo quan niệm nhân duyên, vô ngã, vô thường (Phật Thích Ca); Đấu tranh - chuyển hóa của các mặt đối lập (Thuyết âm dương); Sự vận động của vạn vật theo quy luật tương sinh, quy luật tương khắc (Thuyết ngũ hành); Thống nhất, đấu tranh và chuyển hóa của các mặt đối lập hay sự vận động của vạn vật theo quy luật quân bình và quy luật phản phục (Lão Tử); Nghệ thuật đàm thoại, nghệ thuật tranh luận sáng tạo, dẫn dắt linh hồn nhận thức đến với chân lý - thế giới ý niệm (Xocrat và Platong); Cách xem xét sự vật trong mối liên hệ, trong sự vận động, phát triển để nhận thức được cái lôgốt của sự vật hay bản tính của thế giới qua ẩn dụ "Không ai hai lần tắm trong cùng một dòng sông" (Hêraclít)...
  • Phép biện chứng chật phác mới chỉ là những suy luận, phỏng đoán của trực giác hay dựa trên kinh nghiệm đời thường mà chưa được chứng minh bằng tri thức khoa học, nhưng về căn bản những luận điểm mà nó đưa ra là đúng.
b.2) Phép biện chứng duy tâm:
  • Phép biện chứng duy tâm thể hiện trong nền triết học cổ điển Đức, nó được hình thành từ trong triết học của Căntơ, trải qua triết học của Phíchtơ và triết học của Sêlinh, sau cùng nó được hoàn thiện trong triết học của Hêghen. Trong triết học của Căntơ chứa đựng tư tưởng biện chứng về sự thống nhất (thâm nhập) của các mặt đối lập tạo thành động lực của sự vận động, phát triển; Trong triết học của Phíchtơ chứa đựng tư tưởng biện chứng về mâu thuẫn là nguồn gốc của sự vận động, phát triển; và là bản tính của tư duy (tinh thần, nhận thức); Trong triết học của Sêlinh chứa đựng tư tưởng biện chứng về mối liên hệ phổ biến; về sự đồng nhất, thống nhất, đấu tranh của các mặt đối lập (các lực lượng tinh thần đối lập) trong giới tự nhiên; Trong triết học của Hêghen chưa đựng tư tưởng biện chứng về mối liên hệ phổ biến và sự phát triển của các tinh thần.
  • Phép biện chứng duy tâm là phép biện chứng tư duy, là phép biện chứng của khái niệm, nó mang tính tự biện, thần bí: Phép biện chứng duy tâm là một hệ thống các nguyên lý, quy luật, phạm trù chuyển hóa lẫn nhau phản ánh mối liên hệ và sự vận động, phát triển diễn ra trong thế giới tinh thần, trong tư duy.
b.3) Phép biện chứng duy vật:
  • "Phép biện chứng, tức là học thuyết về sự phát triển dưới hình thức hoàn bị nhất, sâu sắc nhất và không phiến diện, học thuyết về tính tương đối của nhận thức con người, nhận thức này phản ánh vật chất luôn phát triển không ngừng" (Lênin: Toàn tập, T.23, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 2005, tr.53).
  • Một mặt, phép biện chứng duy vật bao gồm phép biện chứng khách quan và phép biện chứng chủ quan. Về điều này, Ăngghen viết: "Biện chứng gọi là khách quan thì chi phối trong toàn bộ giới tự nhiên, còn biện chứng gọi là chủ quan , tức là tư duy biện chứng, thì chỉ là sự phản ánh sự chi phối trong toàn bộ giới tự nhiên, của sự vận động thông qua những mặt đối lập, tức là những mặt, thông qua sự đấu tranh thường xuyên của chúng và sự chuyển hóa cuối cùng của chúng từ mặt đối lập này thành mặt đối lập kia" (C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, T.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.694).
  • Mặt khác, phép biện chứng duy vật vừa là thế giới quan duy vật biện chứng vừa là phương pháp luận biện chứng duy vật, vừa là lôgích biện chứng vừa là nhận thức luận biện chứng duy vật.
  • Phép biện chứng duy vật mang tính tự giác, tính khoa học và tính cách mạng triệt để.
2. Các nguyên lý cơ bản của phép biện chứng duy vật
2.1 Khái quát về nguyên lý: Nguyên lý là những luận điểm xuất phát (tư tưởng chủ đạo) của một học thuyết (lý luận) mà tính chân lý của nó là hiển nhiên, tức không thể hay không cần phải chứng minh nhưng không mâu thuẫn với thực tiễn và nhận thức về lĩnh vực mà học thuyết đó phản ánh. Có hai loại nguyên lý: nguyên lý của khoa học và nguyên lý của triết học. Phép biện chứng duy vật có hai nguyên lý cơ bản. Đó là, nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển.
2.2 Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến
a) Mối liên hệ và mối liên hệ phổ biến
  • Mối liên hệ: là sự tác động (ràng buộc, thâm nhập,...) lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng hay quá trình mà trong đó, sự thay đổi này sẽ tất yếu kéo theo sự thay đổi của cái kia. Đối lập với mối liên hệ là sự tách biệt. Sự tách biệt cũng là sự tác động qua lại giữa các sự vật, hiện tượng hay quá trình nhưng sự thay đổi của cái này sẽ không tất yếu kéo theo sự thay đổi của cái kia. Vạn vật trong thế giới vừa tách biệt vừa liên hệ, vừa là nó vừa không là nó.
  • Mối liên hệ phổ biến: là mối liên hệ giữa các mặt (thuộc tính) đối lập tồn tại trong mọi sự vật, trong mọi lĩnh vực hiện thực.
b) Nội dung nguyên lý:
  • Mọi sự vật, hiện tượng hay quá trình (vạn vật) trong thế giới đều tồn tại muôn vàn mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau. Mối liên hệ tồn tại khách quan, phổ biến và đa dạng.
  • Trong muôn vàn mối liên hệ chi phối sự tồn tại của chúng có những mối liên hệ phổ biến. Mối liên hệ phổ biến tồn tại khách quan, phổ biến; chúng chi phối một cách tổng quát quá trình vận động, phát triển của mọi sự vật, hiện tượng xảy ra trong thế giới.
2.3 Nguyên lý về sự phát triển
a) Sự vận động và phát triển
Vận động: "Vận động hiểu theo nghĩa chung nhất, tức được hiểu là một phương thức tồn tại của vật chất, là một thuộc tính cố hữu của vật chất, thì bao gồm tất cả mọi sự thay đổi và mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ, kể từ sự thay đổi vị trí đơn giản cho đến tư duy" (C.Mác và Ăngghen: Toàn tập, T.20, Nxb Chính trị quốc gia, hà Nội, 1994, tr.519).
Phát triển: là khuynh hướng vận động tiến lên từ thấp đến cao (thay đổi về lượng), từ đơn giản đến phức tạp (thay đổi về chất), từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện (thay đổi về lượng - chất), do việc giải quyết mâu thuẫn trong bản thân sự vật gây ra, được thực hiện thông qua bước nhảy về chất, và diễn ra theo xu hướng theo phủ định của phủ định. Lênin viết: "Hai quan điểm cơ bản... về sự phát triển (sự tiến hóa): sự phát triển coi như là giảm đi và tăng lên, như lập lại;  và phát triển coi như sự thống nhất của các mặt đối lập. Quan điểm thứ nhất thì chết cứng, nghèo nàn, khô khan. Quan điểm thứ hai là sinh động. Chỉ có quan điểm thứ hai mới cho ta chìa khóa của "sự tự vận động",  của tất thảy mọi cái "đang tồn tại"; chỉ có nó mới cho ta chìa khóa của những "bước nhảy vọt", của "sự gián đoạn của tính tiệm tiến", của "sự chuyển hóa thành mặt đối lập", của sự tiêu diệt cái cũ và sự nảy sinh ra cái mới" (V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.379).
b) Nội dung nguyên lý:
  • Mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới đều không ngừng vận động và phát triển.
  • Phát triển mang tính khách quan - phổ biến, là khuynh hướng vận động tổng hợp tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện của một hệ thống vật chất, do việc giải quyết mâu thuẫn, thực hiện bước nhảy về chất gây ra và hướng theo xu thế phủ định của phủ định.

Các ý tưởng chính rút ra được từ chiến lược của ngài W.Buffett

1. Ý tưởng cốt lõi: "Mua những công ty tuyệt vời với giá cả phải chăng và sở hữu chúng suốt đời"
2. Các công cụ để tìm kiếm các công ty tuyệt vời:
2.1 Các nguyên tắc kinh doanh:
  • Nguyên tắc một, các công ty kinh doanh trong những ngành nghề mà bạn am hiểu tường tận.
  • Nguyên tắc hai, các công ty có quá trình sản xuất một mặt hàng hay cung cấp một loại dịch vụ trong nhiều năm.
  • Nguyên tắc ba, các công ty ấy có khả năng phát triển lâu dài.
2.2 Các nguyên tắc quản trị: 
  • Nguyên tắc một, ban giám đốc phải phân bổ vốn liếng của công ty hiệu quả.
  • Nguyên tắc hai, ban giám đốc dám chấp nhận sai lầm cũng như sẵn lòng chia sẻ thành công và chân thật về mọi mặt với cổ đông.
  • Nguyên tắc ba, ban giám đốc có đủ bản lĩnh để tách ra khỏi xu hướng chung sai lầm của các nhà quản trị khác trong ngành.
2.3 Các nguyên tắc tài chính:
  • Nguyên tắc một, chú trọng vào các doanh nghiệp có tỷ số ROE cao hơn 20% và có xu hướng tăng trưởng trong suốt một thời gian dài đã qua. Đồng thời, các công ty sử dụng nợ để tăng ROE nên ở mức độ vừa phải.
  • Nguyên tắc hai, tính toán doanh lợi cổ đông để hiểu chân thật về giá trị công ty. Trong đó, Doanh lợi cổ đông = Lãi ròng + Khấu hao - Chi tiêu tư bản - Vốn hoạt động bổ sung
  • Nguyên tắc ba, các công ty có mức lãi gộp cao. Cụ thể là, ban giám đốc phải chú ý việc giải quyết tệ nạn đội ngũ nhân sự dư thừa hơn mức cần thiết và biết cắt giảm mạnh các chi phí không hợp lý ngay cả khi doanh lợi kiếm được cao kỷ lục hoặc khi chúng bị hạ thấp.
2.4 Các nguyên tắc thị trường:
  • Tính trị giá của công ty bằng cách chiết khấu các dòng tiền ước tính thu được trong tương lai về hiện tại với mức lãi suất trái phiếu 10 năm của chính phủ.
  • Tiến hành mua khi giá thị trường thấp hơn trị giá công ty ở một mức độ an toàn.

Các ý tưởng chính rút ra được từ chiến lược của ngài J.Livermore

1. Ý tưởng cốt lõi: "Thời gian là tất cả mọi thứ" - ý muốn nhấn mạnh rằng thời điểm quyết định tiến hành giao dịch mới là điều quan trọng nhất.
2. Các công cụ để lựa chọn đúng thời điểm tiến hành giao dịch:
2.1 Top down trading:
  • Bước một, tìm hiểu xu hướng chung của thị trường.
  • Bước hai, tìm hiểu các ngành nghề có xu hướng giống với xu hướng chung của thị trường.
  • Bước ba, tìm hiểu ít nhất 2 cổ phiếu cùng thuộc một ngành nghề vừa chọn, lưu ý là 2 cổ phiếu này phải có xu hướng giống với xu hướng của ngành nghề chung đó.
  • Bước bốn, kiểm tra đồng thời 3 bước nêu trên.
2.2 Trade only the leaders: 
  • Bước một, tiến hành giao dịch ở những ngành nghề có xu hướng dẫn dắt xu hướng thị trường (cụ thể là khi những ngành nghề này thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi cùng chiều của thị trường chung).
  • Bước hai, tiến hành giao dịch ở những cổ phiếu có xu hướng dẫn dắt xu hướng của ngành nghề vừa chọn.
  • Bước ba, kiểm tra đồng thời 2 bước trên.
2.3 Pivotal Point Trading: chỉ tiến hành giao dịch tại những điểm quan trọng (những điểm hỗ trợ và kháng cự).