Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Nội dung phép biện chứng duy vật (p.III)

4. Các cặp phạm trù của phép duy vật biện chứng
Phạm trù: là hình thức tư duy phản ánh một cách trừu tượng và khái quát nhất một mặt, một thuộc tính cơ bản nhất của một lĩnh vực hay toàn bộ hiện thực nói chung.
4.1 Cái riêng và cái chung:
4.1.1 Khái niệm:
Cái riêng: là phạm trù triết học dùng để chỉ một trong những sự vật riêng lẻ, xác định mà trong chúng có chứa thuộc tính, yếu tố chung.
Cái đơn nhất: là phạm trù triết học dùng để chỉ một mặt chỉ có ở trong một cái riêng nào đó nhất định mà không có trong những cái riêng khác.
Cái chung: là phạm trù triết học dùng để chỉ một mặt không chỉ có ở trong cái riêng này mà còn được lặp lại trong những cái riêng khác.
Cái phổ biến: là phạm trù triết học dùng để chỉ một mặt không chỉ có ở trong cái riêng này mà còn có trong mọi cái riêng khác.
4.1.2 Mối quan hệ biện chứng:
- Cái chung chỉ tồn tại trong những cái riêng, và thông qua những cái riêng mà cái chung biểu hiện sự tồn tại của chính mình.
- Cái riêng chỉ tồn tại trong mối quan hệ dẫn đến cái chung, và thông qua cái chung mà những cái riêng có liên hệ, chuyển hóa lẫn nhau.
- Cái chung chỉ là một bộ phận của cái riêng, do đó, cái riêng không gia nhập hết vào trong cái chung, bên trong cái riêng còn chứa cái đơn nhất.
- Trong những điều kiện xác định, cái đơn nhất và cái phổ biến có thể chuyển hóa lẫn nhau: Cái mới thường xuất hiện dưới dạng cái đơn nhất, qua quá trình phát triển mở rộng, cái mới sẽ chiến thắng cái cũ và trở thành cái phổ biến. Cái cũ ban đầu thường tồn tại dưới dạng cái phổ biến, sau đó nó ngày càng suy yếu, thu hẹp dần thành cái đơn nhất và cuối cùng mất đi.
4.2 Nguyên nhân và kết quả
4.2.1 Khái niệm
Nguyên nhân: là phạm trù triết học dùng để chỉ sự tương tác giữa các sự vật hay giữa các yếu tố, bộ phận của chúng mà có gây ra những biến đổi nhất định kèm theo.
Kết quả: là phạm trù triết học dùng để chỉ những biến đổi nhất định do sự tương tác giữa các sự vật hay giữa các yếu tố, bộ phận của chúng gây ra.
4.2.2 Mối quan hệ biện chứng
- Nguyên nhân nào kết quả nấy:
  • Nhiều nguyên nhân khác nhau cùng tác động để sinh ra nhiều kết quả khác nhau. Trường hợp một nguyên nhân duy nhất tác động để sinh ra một kết quả duy nhất chỉ là sự trừu tượng hóa trong nhận thức của con người.
  • Các nguyên nhân khác nhau có vai trò khác nhau trong việc sinh ra kết quả.
  • Những nguyên nhân tác động cùng hướng sẽ tăng cường tác dụng của nhau; những nguyên nhân tác động khác hướng sẽ là suy yếu hay triệt tiêu tác dụng của nhau.
- Kết quả có thể ảnh hưởng ngược lại nguyên nhân sinh ra nó.
- Kết quả do nguyên nhân trước sinh ra, sẽ trở thành nguyên nhân mới sản sinh ra kết quả mới...;quá trình cứ như thế tiếp diễn tạo nên chuỗi nhân quả vô tận.
4.3 Tất nhiên và ngẫu nhiên
4.3.1 Khái niệm
Tất nhiên: là phạm trù triết học dùng để chỉ cái phải xảy ra như thế chứ không thể khác được. Tất nhiên do những nguyên nhân cơ bản, bên trong; do những quy luật động lực học chi phối; do đó, tất nhiên hay quy luật động lực học bao giờ cũng thể hiện tính nhân quả thẳng, tức tính nhân quả đơn trị.
Ngẫu nhiên: là phạm trù triết học dùng để chỉ cái có thể xảy ra như thế này nhưng cũng có thể xảy ra như thế khác. Ngẫu nhiên do những nguyên nhân bên ngoài, do sự ngẫu hợp của hoàn cảnh; do những quy luật thống kê - xác suất quy định; do đó, ngẫu nhiên hay quy luật thống kê - xác suất biểu thị tính nhân quả phân nhánh, tức tính nhân quả đa trị.
4.3.2 Mối quan hệ biện chứng
- Tính thống nhất giữa tất nhiên và ngẫu nhiên:
  • Quá trình vận động và phát triển của bản thân sự vật, hiện tượng bị chi phối chủ yếu bởi cái tất nhiên, nhưng cái ngẫu nhiên có ảnh hưởng làm cho quá trình vận động và phát triển ấy diễn ra nhanh hơn hay chậm hơn.
  • Cái tất nhiên bao giờ cũng "vạch đường" cho mình đi xuyên qua vô số cái ngẫu nhiên; cái ngẫu nhiên chỉ là hình thức biểu hiện của cái tất nhiên. Bản thân cái tất nhiên chỉ có thể được tạo nên từ những cái ngẫu nhiên. Còn tât cả những gì trong hiện thực được coi là ngẫu nhiên đều ẩn giấu trong mình cái tất nhiên nào đó.
- Sự chuyển hóa giữa tất nhiên và ngẫu nhiên:
  • Trong những điều kiện nhất định, cái ngẫu nhiên có thể chuyển hóa thành cái tất nhiên; và ngược lại, cái tất nhiên có thể chuyển hóa thành cái ngẫu nhiên.
  • Ranh giới giữa cái ngẫu nhiên và cái tất nhiên là tương đối; ranh giới này phụ thuộc vào điều kiện tồn tại cụ thể của bản thân sự vật.
4.4 Nội dung và hình thức
4.4.1 Khái niệm
Nội dung: là phạm trù triết học dùng để chỉ tất cả các mặt, các yếu tố, các quá trình tồn tại theo một hình thức nhất định tạo nên sự vật.
Hình thức: là một phạm trù triết học dùng để chỉ một hệ thống các mối liên hệ tương đối bền vững ổn định, tạo nên cấu trúc nội tại của nội dung, và là phương thức tồn tại của bản thân sự vật.
4.4.2 Mối quan hệ biên chứng
- Tính thống nhất giữa nội dung và hình thức:
  • Không có hình thức nào không chứa nội dung và ngược lại.
  • Cùng một nội dung, trong những điều kiện khác nhau, được thể hiện bằng những hình thức tồn tại khác nhau và ngược lại.
- Nội dung giữ vai trò quyết định so với hình thức:
  • Nội dung là mặt động, không ổn định, dễ biến đổi. Hình thức là mặt tĩnh, khá ổn định, ít biến đổi.
  • Sự vận động và phát triển của bản thân sự vật bao giờ cũng bắt đầu từ sự biến đổi của nội dung. Khi nội dung biến đổi đến một mức độ nào đó sẽ tạo ra sự không phù hợp giữa nội dung và hình thức.
  • Sự xung đột hay mâu thuẫn này đòi hỏi phải giải quyết bằng cách phá bỏ hình thức cũ, xác lập hình thức mới, sao cho phù hợp với nội dung ở một trình độ mới.
- Hình thức có tính độc lập tương đối; nhờ tính độc lập tương đối mà hình thức có thể tác động ngược trở lại nội dung:
  • Khi phù hợp với nội dung, hình thức thúc đẩy sự phát triển của nội dung.
  • Khi không phù hợp với nội dung, hình thức sẽ kìm hãm sự phát triển của nội dung. Tuy nhiên, sự kìm hãm này chỉ mang tính tạm thời, đến một lúc nào đó, nội dung sẽ "tự giải phóng" mình ra khỏi sự kìm hãm của hình thức.
4.5 Bản chất và hiện tượng
4.5.1 Khái niệm
Bản chất: là phạm trù triết học dùng để chỉ cơ sở bên trong của hiện tượng. Bản chất là cái chung, cái tất yêu, bên trong, khá ổn định, mang tính quy luật; bản chất là cái quy định xu hướng vận động và phát triển của bản thân sự vật.
Hiện tượng: là phạm trù triết học dùng để chỉ sự thể hiện bản chất ra ngoài. Hiện tượng là cái cá biệt, ngẫu nhiên, bên ngoài, bất ổn định, biểu thị cho sự tồn tại của sự vật trong điều kiện xác định.
4.5.2 Mối quan hệ biện chứng
- Tính thống nhất giữa bản chất và hiện tượng:
  • Bản chất bộc lộ qua hiện tượng; Hiện tượng biểu hiện ít nhiều về bản chất; về căn bản, chúng phù hợp với nhau. Những bản chất khác nhau bộc lộ ra thành các hiện tượng khác nhau.
  • Khi bản chất thay đổi thì hiện tượng của nó cũng thay đổi; Khi bản chất biến mất thì hiện tườn của nó cũng không còn.
- Tính mâu thuẫn giữa bản chất và hiện tượng:
  • Sự tương tác giữa bản thân sự vật và môi trường tồn tại xung quanh sự vật đã đưa vào hiện tượng của sự vật những nội dung từ bên ngoài sự vật đó, nghĩa là sự tương tác này đã làm cho hiện tượng của sự vật không thể hiện được bản chất của nó. Như vậy, bản chất và hiện tượng (của sự vật) không phù hợp nhau hoàn toàn, tức hiện tượng không biểu hiện y nguyên bản chất.
  • Bản chất và hiện tượng là những cái đối lập nhau; nhưng bản chất là cái sâu sắc hơn hiện tượng, còn hiện tượng bao giờ cũng phong phú hơn bản chất. Một bản chất được thể hiện qua vô số hiện tượng, trong đó có cả các hiện tượng xuyên tạc bản chất (giả tưởng) lẫn những hiện tượng thể hiện rõ bản chất (hiện tượng điển hình).
  • Sự xung đột hay mâu thuẫn giữa bản chất và hiện tượng ở cấp độ hiện tượng (sinh động, dễ nhận biết) là sự xung đột hay mâu thuẫn giữa giả tưởng và hiện tượng điển hình.
4.6 Khả năng và hiện thực
4.6.1 Khái niệm
Khả năng: là phạm trù triết học dùng để chỉ cái chưa có, chưa tới nhưng sẽ có, sẽ tới khi điều kiện tương ứng hội đủ. Khả năng bao gồm khả năng ảo và khả năng thực.
Hiện thực: là phạm trù triết học dùng để chỉ cái hiện có, đang tồn tại thực sự. Hiện thực bao gồm hiện thực khách quan (hiện thực vật chất) và hiện thực chủ quan (hiện thực tinh thần).
4.6.2 Mối quan hệ biện chứng
- Tính thống nhất của khả năng và hiện thực:
  • Hiện thực sinh ra nhiều khả năng có mức độ tất yếu hiện thực hóa khác nhau. 
  • Khi hiện thực biến đổi sẽ làm biến đổi các khả năng.
- Sự chuyển hóa giữa khả năng và hiện thực:
  • Khi điều kiện hội đủ, khả năng biến thành hiện thực mới; Hiện thực mới sinh ra các khả năng mới hay thay đổi mức độ hiện thực hóa của các khả năng cũ... Quá trình cứ tiếp diễn mãi mãi.
  • Điều kiện làm tăng hay giảm mức độ hiện thực hóa của khả năng, tức chi phối quá trình hiện thực hóa khả năng.