Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Tài chính hành vi

1. Investment Anchoring
Mô tả: Các nhà đầu tư thường đầu tư vào cổ phiếu của những công ty có sự rớt giá mạnh trong một thời gian ngắn. Trong trường hợp này, các nhà đầu tư đó nghĩ rằng, ở đỉnh cao gần nhất, cổ phiếu của công đó đã rất thành công và dẫn đến kết quả là họ ảo tưởng sự rớt giá trở lại mở ra một cơ hội để mua cổ phiếu tốt với giá hời. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng đa số giá trị của cổ phiếu đó thường sẽ giảm tiếp do sự thay đổi các yếu tố cơ bản của công ty.
Ví dụ: Giả sử công ty ABC có mức tăng trưởng doanh thu rất nhanh vào năm ngoái, điều này làm giá cổ phiếu của công ty tăng từ mức 25$ lên 80$. Nhưng thật không may, sau đó một khách hàng lớn của công ty, đóng góp 50% trong tổng doanh thu, ra quyết định không tiếp tục ký hợp đồng mới với công ty ABC nữa. Sự kiện này làm giá cổ phiếu rớt từ 80$ về 40$. Lúc này, các nhà đầu tư cho rằng cổ phiếu của công ty đã thấp hơn giá trị thực và lao vào mua với ảo tưởng mua được giá hời.
Khuyến nghị: để tránh gặp phải tâm lý này, nhà đầu tư, dựa vào kiến thức chuyên sâu của mình, phải nghiên cứu về công ty qua thật nhiều khía cạnh, từ đó hiểu rõ về công ty và ra quyết định đầu tư.

2. Mental Accounting
Mô tả: nhà đầu tư chia tiền đầu tư của mình thành 2 phần: một dùng để đầu tư vào danh mục đầu tư an toàn và một dùng để dành cho danh mục mang tính đầu cơ, nhằm hạn chế lỗ khi danh mục đầu cơ bị thua lỗ (lúc này danh mục đầu tư an toàn có lời sẽ bù đắp sang) và gia tăng lãi khi danh mục đầu cơ có lợi nhuận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng đa số lợi nhuận ròng của các nhà đầu tư dạng này cũng không khác hơn nếu họ chỉ dùng tiền cho một loại danh mục nhất định.
Khuyến nghị: Phải nhớ "tiền nào cũng là tiền", tiền mà bạn tiêu xài cũng giống như tiền mà bạn làm ra. Phải biết tiết kiệm, góp gió thành bão.

3.  Confirmation Bias
Mô tả: nhà đầu tư thường có xu hướng tìm kiếm thông tin hỗ trợ cho ý kiến đầu tư của họ hơn là những thông tin có tính chất phản bác lại ý kiến đầu tư đó. Điều này dẫn đến việc họ luôn tìm được khá nhiều thông tin hỗ trợ còn những thông tin phản bác lại rất ít được để tâm hoặc bị phớt lờ. Do vậy, nhà đầu tư hiển nhiên sẽ gặp rủi ro hơn.
Khuyến nghị: nhà đầu tư nên tìm những người có quan điểm bất đồng và cố gắng lắng nghe ý kiến phản bác của họ. Nếu sau khi nghe, bạn vẫn thấy tự tin là mình đúng thì hãy tiến hành đầu tư.

4. Gambler's Fallacy 
Mô tả: giả sử bạn tung đồng xu liên tiếp 20 lần và nó đều xuất hiện mặt ngửa, lúc này từ lần tung thứ 21 trở đi, các con bạc thường sẽ đặt cược cho mặt xấp cho đến khi nó xuất hiện mới thôi. Tương tự như thế, các nhà đầu tư có khuynh hướng là tất toán trạng thái để thu lời của mình khi giá tăng một chuỗi liên tiếp khiến họ tin rằng giá trong tương lai khó mà tăng được nữa. Ngược lại cho tình huống giá giảm một chuỗi liên tiếp, nhà đầu tư sẽ có khuynh hướng mua vào vì tin rằng giá khó có khả năng giảm nữa.
Khuyến nghị: nhà đầu tư nên mua khi tin rằng xu hướng đi lên kéo dài đó là có lý, còn xu hướng giảm giá tức thời là phi lý. Ngược lại, nhà đầu tư nên bán khi tin rằng xu hướng đi xuống kéo dài đó là có lý, còn xu hướng tăng giá tức thời là phi lý.

5. Overconfidence Investing
Mô tả: nhà đầu tư tự tin thái quá có khuynh hướng tin rằng họ giỏi hơn tất cả mọi người trong việc chọn cổ phiếu tốt nhất và đúng lúc nhất để mua bán, dẫn đến họ thường mua bán nhiều hơn so với những nhà đầu tư kém tự tin hơn họ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, những nhà đầu tư tự tin thái quá, trung bình, có mức lợi nhuận thấp hơn lợi nhuận của thị trường.
Khuyến nghị: nên nhớ rằng, các nhà quản lý giỏi nhất luôn tin rằng mỗi ngày mở ra một thách thức mới và phương pháp đầu tư của họ cũng phải được tinh chỉnh để phù hợp với thách thức mới đó. 

6. Prospect Theory
Mô tả: người ta thường không mong muốn gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất (họ có khuynh hướng cho rằng lãi suất ngân hàng là quá thấp không bằng với lợi nhuận sinh ra từ các khoản đầu tư - mặc dù chưa chắc họ đã kiếm được tiền lời hoặc thậm chí là thua lỗ khi đầu tư), và từ chối làm việc thêm giờ bởi họ phải trả nhiều thuế hơn, mặc dù họ biết rằng họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn sau khi đã thanh toán thuế nếu làm thêm giờ (họ có khuynh hướng cho rằng số tiền kiếm thêm được không đủ bù đắp cho giá của cái cảm giác phải trả thêm thuế) . Tương tự như vậy, nhà đầu tư có khuynh hướng nắm giữ cổ phiếu thua lỗ trong thời gian dài và bán cổ phiếu lãi quá sớm. Như vậy họ đã hành động dựa trên cảm giác hơn chứ không phải dựa trên lý trí
Khuyến nghị: để tránh tình huống trên bạn nên hành động theo các trường hợp sau:
a) Trường hợp, bạn phải đối mặt với hai sự lựa chọn trong suy nghĩ: thứ nhất, một khoản lợi nhuận lớn (+100$) ở một địa điểm và thứ hai, cũng một khoản lợi nhuận lớn (+100$) nhưng ở hai địa điểm khác nhau (mỗi địa điểm +50$)--> bạn nên chọn lối suy nghĩ thứ hai.
b) Trường hợp, bạn phải đối mặt với hai sự lựa chọn trong suy nghĩ: thứ nhất, một khoản thua lỗ lớn (-100$) một lần và thứ hai, cũng một khoản thua lỗ (-100$) nhưng hai lần khác nhau (mỗi lần 50$)--> bạn nên chọn lối suy nghĩ thứ nhất vì "thà đau một lần thôi" :-).
c) Trường hợp, bạn phải đối mặt với hai sự lựa chọn trong suy nghĩ: thứ nhất, một khoản lợi nhuận lớn hay thua lỗ nhỏ (+100$ hay -55$) và thứ hai, một khoản lợi nhuận nhỏ (+45$) --> bạn nên chọn lối suy nghĩ thứ hai vì coi chừng "tham thì thâm". :-(
d) Trường hợp, bạn phải đối mặt với hai sự lựa chọn trong suy nghĩ: thứ nhất, một khoản thua lỗ lớn hay lợi nhuận nhỏ (-100$ hay +55$) và thứ hai, một khoản thua lỗ nhỏ (-45$) --> bạn nên chọn lối suy nghĩ thứ hai vì "còn tiền còn cơ hội". ;-(


Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Nội dung phép biện chứng duy vật (p.III)

4. Các cặp phạm trù của phép duy vật biện chứng
Phạm trù: là hình thức tư duy phản ánh một cách trừu tượng và khái quát nhất một mặt, một thuộc tính cơ bản nhất của một lĩnh vực hay toàn bộ hiện thực nói chung.
4.1 Cái riêng và cái chung:
4.1.1 Khái niệm:
Cái riêng: là phạm trù triết học dùng để chỉ một trong những sự vật riêng lẻ, xác định mà trong chúng có chứa thuộc tính, yếu tố chung.
Cái đơn nhất: là phạm trù triết học dùng để chỉ một mặt chỉ có ở trong một cái riêng nào đó nhất định mà không có trong những cái riêng khác.
Cái chung: là phạm trù triết học dùng để chỉ một mặt không chỉ có ở trong cái riêng này mà còn được lặp lại trong những cái riêng khác.
Cái phổ biến: là phạm trù triết học dùng để chỉ một mặt không chỉ có ở trong cái riêng này mà còn có trong mọi cái riêng khác.
4.1.2 Mối quan hệ biện chứng:
- Cái chung chỉ tồn tại trong những cái riêng, và thông qua những cái riêng mà cái chung biểu hiện sự tồn tại của chính mình.
- Cái riêng chỉ tồn tại trong mối quan hệ dẫn đến cái chung, và thông qua cái chung mà những cái riêng có liên hệ, chuyển hóa lẫn nhau.
- Cái chung chỉ là một bộ phận của cái riêng, do đó, cái riêng không gia nhập hết vào trong cái chung, bên trong cái riêng còn chứa cái đơn nhất.
- Trong những điều kiện xác định, cái đơn nhất và cái phổ biến có thể chuyển hóa lẫn nhau: Cái mới thường xuất hiện dưới dạng cái đơn nhất, qua quá trình phát triển mở rộng, cái mới sẽ chiến thắng cái cũ và trở thành cái phổ biến. Cái cũ ban đầu thường tồn tại dưới dạng cái phổ biến, sau đó nó ngày càng suy yếu, thu hẹp dần thành cái đơn nhất và cuối cùng mất đi.
4.2 Nguyên nhân và kết quả
4.2.1 Khái niệm
Nguyên nhân: là phạm trù triết học dùng để chỉ sự tương tác giữa các sự vật hay giữa các yếu tố, bộ phận của chúng mà có gây ra những biến đổi nhất định kèm theo.
Kết quả: là phạm trù triết học dùng để chỉ những biến đổi nhất định do sự tương tác giữa các sự vật hay giữa các yếu tố, bộ phận của chúng gây ra.
4.2.2 Mối quan hệ biện chứng
- Nguyên nhân nào kết quả nấy:
  • Nhiều nguyên nhân khác nhau cùng tác động để sinh ra nhiều kết quả khác nhau. Trường hợp một nguyên nhân duy nhất tác động để sinh ra một kết quả duy nhất chỉ là sự trừu tượng hóa trong nhận thức của con người.
  • Các nguyên nhân khác nhau có vai trò khác nhau trong việc sinh ra kết quả.
  • Những nguyên nhân tác động cùng hướng sẽ tăng cường tác dụng của nhau; những nguyên nhân tác động khác hướng sẽ là suy yếu hay triệt tiêu tác dụng của nhau.
- Kết quả có thể ảnh hưởng ngược lại nguyên nhân sinh ra nó.
- Kết quả do nguyên nhân trước sinh ra, sẽ trở thành nguyên nhân mới sản sinh ra kết quả mới...;quá trình cứ như thế tiếp diễn tạo nên chuỗi nhân quả vô tận.
4.3 Tất nhiên và ngẫu nhiên
4.3.1 Khái niệm
Tất nhiên: là phạm trù triết học dùng để chỉ cái phải xảy ra như thế chứ không thể khác được. Tất nhiên do những nguyên nhân cơ bản, bên trong; do những quy luật động lực học chi phối; do đó, tất nhiên hay quy luật động lực học bao giờ cũng thể hiện tính nhân quả thẳng, tức tính nhân quả đơn trị.
Ngẫu nhiên: là phạm trù triết học dùng để chỉ cái có thể xảy ra như thế này nhưng cũng có thể xảy ra như thế khác. Ngẫu nhiên do những nguyên nhân bên ngoài, do sự ngẫu hợp của hoàn cảnh; do những quy luật thống kê - xác suất quy định; do đó, ngẫu nhiên hay quy luật thống kê - xác suất biểu thị tính nhân quả phân nhánh, tức tính nhân quả đa trị.
4.3.2 Mối quan hệ biện chứng
- Tính thống nhất giữa tất nhiên và ngẫu nhiên:
  • Quá trình vận động và phát triển của bản thân sự vật, hiện tượng bị chi phối chủ yếu bởi cái tất nhiên, nhưng cái ngẫu nhiên có ảnh hưởng làm cho quá trình vận động và phát triển ấy diễn ra nhanh hơn hay chậm hơn.
  • Cái tất nhiên bao giờ cũng "vạch đường" cho mình đi xuyên qua vô số cái ngẫu nhiên; cái ngẫu nhiên chỉ là hình thức biểu hiện của cái tất nhiên. Bản thân cái tất nhiên chỉ có thể được tạo nên từ những cái ngẫu nhiên. Còn tât cả những gì trong hiện thực được coi là ngẫu nhiên đều ẩn giấu trong mình cái tất nhiên nào đó.
- Sự chuyển hóa giữa tất nhiên và ngẫu nhiên:
  • Trong những điều kiện nhất định, cái ngẫu nhiên có thể chuyển hóa thành cái tất nhiên; và ngược lại, cái tất nhiên có thể chuyển hóa thành cái ngẫu nhiên.
  • Ranh giới giữa cái ngẫu nhiên và cái tất nhiên là tương đối; ranh giới này phụ thuộc vào điều kiện tồn tại cụ thể của bản thân sự vật.
4.4 Nội dung và hình thức
4.4.1 Khái niệm
Nội dung: là phạm trù triết học dùng để chỉ tất cả các mặt, các yếu tố, các quá trình tồn tại theo một hình thức nhất định tạo nên sự vật.
Hình thức: là một phạm trù triết học dùng để chỉ một hệ thống các mối liên hệ tương đối bền vững ổn định, tạo nên cấu trúc nội tại của nội dung, và là phương thức tồn tại của bản thân sự vật.
4.4.2 Mối quan hệ biên chứng
- Tính thống nhất giữa nội dung và hình thức:
  • Không có hình thức nào không chứa nội dung và ngược lại.
  • Cùng một nội dung, trong những điều kiện khác nhau, được thể hiện bằng những hình thức tồn tại khác nhau và ngược lại.
- Nội dung giữ vai trò quyết định so với hình thức:
  • Nội dung là mặt động, không ổn định, dễ biến đổi. Hình thức là mặt tĩnh, khá ổn định, ít biến đổi.
  • Sự vận động và phát triển của bản thân sự vật bao giờ cũng bắt đầu từ sự biến đổi của nội dung. Khi nội dung biến đổi đến một mức độ nào đó sẽ tạo ra sự không phù hợp giữa nội dung và hình thức.
  • Sự xung đột hay mâu thuẫn này đòi hỏi phải giải quyết bằng cách phá bỏ hình thức cũ, xác lập hình thức mới, sao cho phù hợp với nội dung ở một trình độ mới.
- Hình thức có tính độc lập tương đối; nhờ tính độc lập tương đối mà hình thức có thể tác động ngược trở lại nội dung:
  • Khi phù hợp với nội dung, hình thức thúc đẩy sự phát triển của nội dung.
  • Khi không phù hợp với nội dung, hình thức sẽ kìm hãm sự phát triển của nội dung. Tuy nhiên, sự kìm hãm này chỉ mang tính tạm thời, đến một lúc nào đó, nội dung sẽ "tự giải phóng" mình ra khỏi sự kìm hãm của hình thức.
4.5 Bản chất và hiện tượng
4.5.1 Khái niệm
Bản chất: là phạm trù triết học dùng để chỉ cơ sở bên trong của hiện tượng. Bản chất là cái chung, cái tất yêu, bên trong, khá ổn định, mang tính quy luật; bản chất là cái quy định xu hướng vận động và phát triển của bản thân sự vật.
Hiện tượng: là phạm trù triết học dùng để chỉ sự thể hiện bản chất ra ngoài. Hiện tượng là cái cá biệt, ngẫu nhiên, bên ngoài, bất ổn định, biểu thị cho sự tồn tại của sự vật trong điều kiện xác định.
4.5.2 Mối quan hệ biện chứng
- Tính thống nhất giữa bản chất và hiện tượng:
  • Bản chất bộc lộ qua hiện tượng; Hiện tượng biểu hiện ít nhiều về bản chất; về căn bản, chúng phù hợp với nhau. Những bản chất khác nhau bộc lộ ra thành các hiện tượng khác nhau.
  • Khi bản chất thay đổi thì hiện tượng của nó cũng thay đổi; Khi bản chất biến mất thì hiện tườn của nó cũng không còn.
- Tính mâu thuẫn giữa bản chất và hiện tượng:
  • Sự tương tác giữa bản thân sự vật và môi trường tồn tại xung quanh sự vật đã đưa vào hiện tượng của sự vật những nội dung từ bên ngoài sự vật đó, nghĩa là sự tương tác này đã làm cho hiện tượng của sự vật không thể hiện được bản chất của nó. Như vậy, bản chất và hiện tượng (của sự vật) không phù hợp nhau hoàn toàn, tức hiện tượng không biểu hiện y nguyên bản chất.
  • Bản chất và hiện tượng là những cái đối lập nhau; nhưng bản chất là cái sâu sắc hơn hiện tượng, còn hiện tượng bao giờ cũng phong phú hơn bản chất. Một bản chất được thể hiện qua vô số hiện tượng, trong đó có cả các hiện tượng xuyên tạc bản chất (giả tưởng) lẫn những hiện tượng thể hiện rõ bản chất (hiện tượng điển hình).
  • Sự xung đột hay mâu thuẫn giữa bản chất và hiện tượng ở cấp độ hiện tượng (sinh động, dễ nhận biết) là sự xung đột hay mâu thuẫn giữa giả tưởng và hiện tượng điển hình.
4.6 Khả năng và hiện thực
4.6.1 Khái niệm
Khả năng: là phạm trù triết học dùng để chỉ cái chưa có, chưa tới nhưng sẽ có, sẽ tới khi điều kiện tương ứng hội đủ. Khả năng bao gồm khả năng ảo và khả năng thực.
Hiện thực: là phạm trù triết học dùng để chỉ cái hiện có, đang tồn tại thực sự. Hiện thực bao gồm hiện thực khách quan (hiện thực vật chất) và hiện thực chủ quan (hiện thực tinh thần).
4.6.2 Mối quan hệ biện chứng
- Tính thống nhất của khả năng và hiện thực:
  • Hiện thực sinh ra nhiều khả năng có mức độ tất yếu hiện thực hóa khác nhau. 
  • Khi hiện thực biến đổi sẽ làm biến đổi các khả năng.
- Sự chuyển hóa giữa khả năng và hiện thực:
  • Khi điều kiện hội đủ, khả năng biến thành hiện thực mới; Hiện thực mới sinh ra các khả năng mới hay thay đổi mức độ hiện thực hóa của các khả năng cũ... Quá trình cứ tiếp diễn mãi mãi.
  • Điều kiện làm tăng hay giảm mức độ hiện thực hóa của khả năng, tức chi phối quá trình hiện thực hóa khả năng.

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Nội dung phép biện chứng duy vật (p.II)

3. Các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật
Quy luật: là những mối liên hệ khách quan, bản chất, tất nhiên, chung, lặp lại giữa các sự vật, hiện tượng và chi phối sự vận động, phát triển của chúng.Dựa trên quy luật, phương pháp luận xây dựng các quy tắc, phương pháp để chỉ đạo hoạt động của chủ thể trong quá trình nhận thức và thực tiễn. Có ba quy luật phổ biến cơ bản của phép biện chứng duy vật, đó là: quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập; quy luật chuyển hóa từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất và ngược lại; và quy luật phủ định của phủ định.
3.1 Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập
  • Mọi sự vật đều liên hệ lẫn nhau và luôn vận động, phát triển; Vận động, phát triển do các mâu thuẫn gây ra; Các mâu thuẫn biện chứng khác nhau tác động không giống nhau đến quá trình vận động và phát triển của sự vật.
  • Mỗi mâu thuẫn biện chứng đều trải qua ba giai đoạn: sinh thành (sự xuất hiện của các mặt đối lập) - hiện hữu (sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập) - giải quyết (sự chuyển hóa của các mặt đối lập).
  • Mâu thuẫn biện chứng được giải quyết, cái cũ mất đi, cái mới ra đời với những mâu thuẫn biện chứng mới hay thay đổi vai trò tác động của các mâu thuẫn biện chứng cũ.
  • Mâu thuẫn biện chứng là nguồn gốc của mọi sự vận động và phát triển. Vận động và phát triển xảy ra trong thế giới vật chất mang tính tự thân.
3.2 Quy luật chuyển hóa từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất, và ngược lại
  • Mọi sự vật đều liên hệ lẫn nhau và luôn vận động, phát triển; Mọi sự vật nằm trong quá trình vận động, phát triển đều được đặc trưng bằng chất (tính quy định vốn có của sự vật, đặc trưng cho sự vật là nó, giúp phân biệt sự vật này với các sự vật khác) và lượng (tính quy định vốn có của sự vật, biểu thị về mặt quy mô, tốc độ, trình độ của sự vận động, phát triển của sự vật cũng như các thuộc tính (chất) của nó); Chất và lượng thống nhất với nhau trong độ (giới hạn mà trong đó sự thay đổi về lượng chưa làm cho chất thay đổi căn bản).
  • Sự vật bắt đầu vận động, phát triển bằng sự thay đổi về lượng (một cách liên tục hay tiệm tiến); nếu lượng chỉ thay đổi trong độ, chưa vượt quá điểm nút thì chất không thay đổi căn bản; khi lượng thay đổi vượt qua độ, quá điểm nút thì chất sẽ thay đổi căn bản, bước nhảy (sự chuyển hóa về chất do những thay đổi về lượng trước đó gây ra) nhất định sẽ xảy ra.
  • Bước nhảy làm cho chất thay đổi (một cách gián đoạn hay đột biến); Chất (sự vật) cũ mất đi, chất (sự vật) mới ra đời; Chất mới gây ra sự thay đổi về lượng (làm thay đổi quy mô tồn tại, tốc độ, nhịp điệu vận động, phát triển của sự vật).
  • Sự thay đổi về lượng gây ra sự thay đổi về chất, và sự thay đổi về chất gây ra sự thay đổi về lượng là phương thức vận động, phát triển của mọi sự vật trong thế giới. Vận động và phát triển xảy ra trong thế giới vật chất vừa mang tính liên tục vừa mang tính gián đoạn.
3.3 Quy luật phủ định của phủ định
  • Mọi sự vật đều liên hệ lẫn nhau và luôn vận động, phát triển; phát triển là một chuỗi các lần phủ định biện chứng (một khâu của quá trình tự phát triển của sự vật đưa đến sự ra đời của các mới tiến bộ hơn so với cái cũ lỗi thời bị phủ định) có gắn liền cới việc giải quyết mâu thuẫn và thực hiện bước nhảy về chất xảy ra bên trong sự vật.
  • Là vòng khâu liên hệ giữa cái mới với cái cũ, cái mới (cái được khẳng định) ra đời trên cơ sở loại bỏ những yếu tố tiêu cực, đồng thời lưu giữ, cải tạo những yếu tố tích cực của cái cũ (cái bị phủ định); Phủ định biện chứng mang tính khách quan - nội tại, tính kế thừa - tiến lên.
  • Qua một số lần phủ định biện chứng xuất hiện phủ định của phủ định, xác lập lại cái cũ (khẳng định lại cái đã bị phủ định) ở một trình độ cao hơn; Phủ định của phủ định mang tính chu kỳ hở.
  • Phủ định của phủ định vạch ra khuynh hướng xoắn ốc tiến lên của mọi sự vận động và phát triển xảy ra trong thế giới vật chât.

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Nội dung phép biện chứng duy vật (p.I)

1. Khái quát về phép biện chứng:
a) Phép siêu hình và phép biện chứng
Phép siêu hình: là một phương pháp triết học đòi hỏi phải xem xét sự vật, hiện tượng trong sự cô lập, tách biệt, đứng im, bất động; còn nếu có sự liên hệ, vận động, thay đổi thì đó chỉ là sự liên hệ bên ngoài, sự vận động, thay đổi đơn thuần về lượng...
Phép biện chứng: là một phương pháp triết học đòi hỏi phải xem xét sự vật, hiện tượng trong sự liên hệ, ràng buộc lẫn nhau, luôn vận động, phát triển. Phép biện chứng còn là một lý luận triết học bàn về mối liên hệ và sự vận động, phát triển của vạn vật xảy ra trong thế giới.
b) Các hình thức lịch sử của phép biện chứng
b.1) Phép biện chứng chất phác: 
  • Phép biện chứng chât phác xuất hiện trong nền triết học cổ đại, nó được hiểu như: Cách nhìn nhận thế giới theo quan niệm nhân duyên, vô ngã, vô thường (Phật Thích Ca); Đấu tranh - chuyển hóa của các mặt đối lập (Thuyết âm dương); Sự vận động của vạn vật theo quy luật tương sinh, quy luật tương khắc (Thuyết ngũ hành); Thống nhất, đấu tranh và chuyển hóa của các mặt đối lập hay sự vận động của vạn vật theo quy luật quân bình và quy luật phản phục (Lão Tử); Nghệ thuật đàm thoại, nghệ thuật tranh luận sáng tạo, dẫn dắt linh hồn nhận thức đến với chân lý - thế giới ý niệm (Xocrat và Platong); Cách xem xét sự vật trong mối liên hệ, trong sự vận động, phát triển để nhận thức được cái lôgốt của sự vật hay bản tính của thế giới qua ẩn dụ "Không ai hai lần tắm trong cùng một dòng sông" (Hêraclít)...
  • Phép biện chứng chật phác mới chỉ là những suy luận, phỏng đoán của trực giác hay dựa trên kinh nghiệm đời thường mà chưa được chứng minh bằng tri thức khoa học, nhưng về căn bản những luận điểm mà nó đưa ra là đúng.
b.2) Phép biện chứng duy tâm:
  • Phép biện chứng duy tâm thể hiện trong nền triết học cổ điển Đức, nó được hình thành từ trong triết học của Căntơ, trải qua triết học của Phíchtơ và triết học của Sêlinh, sau cùng nó được hoàn thiện trong triết học của Hêghen. Trong triết học của Căntơ chứa đựng tư tưởng biện chứng về sự thống nhất (thâm nhập) của các mặt đối lập tạo thành động lực của sự vận động, phát triển; Trong triết học của Phíchtơ chứa đựng tư tưởng biện chứng về mâu thuẫn là nguồn gốc của sự vận động, phát triển; và là bản tính của tư duy (tinh thần, nhận thức); Trong triết học của Sêlinh chứa đựng tư tưởng biện chứng về mối liên hệ phổ biến; về sự đồng nhất, thống nhất, đấu tranh của các mặt đối lập (các lực lượng tinh thần đối lập) trong giới tự nhiên; Trong triết học của Hêghen chưa đựng tư tưởng biện chứng về mối liên hệ phổ biến và sự phát triển của các tinh thần.
  • Phép biện chứng duy tâm là phép biện chứng tư duy, là phép biện chứng của khái niệm, nó mang tính tự biện, thần bí: Phép biện chứng duy tâm là một hệ thống các nguyên lý, quy luật, phạm trù chuyển hóa lẫn nhau phản ánh mối liên hệ và sự vận động, phát triển diễn ra trong thế giới tinh thần, trong tư duy.
b.3) Phép biện chứng duy vật:
  • "Phép biện chứng, tức là học thuyết về sự phát triển dưới hình thức hoàn bị nhất, sâu sắc nhất và không phiến diện, học thuyết về tính tương đối của nhận thức con người, nhận thức này phản ánh vật chất luôn phát triển không ngừng" (Lênin: Toàn tập, T.23, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 2005, tr.53).
  • Một mặt, phép biện chứng duy vật bao gồm phép biện chứng khách quan và phép biện chứng chủ quan. Về điều này, Ăngghen viết: "Biện chứng gọi là khách quan thì chi phối trong toàn bộ giới tự nhiên, còn biện chứng gọi là chủ quan , tức là tư duy biện chứng, thì chỉ là sự phản ánh sự chi phối trong toàn bộ giới tự nhiên, của sự vận động thông qua những mặt đối lập, tức là những mặt, thông qua sự đấu tranh thường xuyên của chúng và sự chuyển hóa cuối cùng của chúng từ mặt đối lập này thành mặt đối lập kia" (C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, T.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.694).
  • Mặt khác, phép biện chứng duy vật vừa là thế giới quan duy vật biện chứng vừa là phương pháp luận biện chứng duy vật, vừa là lôgích biện chứng vừa là nhận thức luận biện chứng duy vật.
  • Phép biện chứng duy vật mang tính tự giác, tính khoa học và tính cách mạng triệt để.
2. Các nguyên lý cơ bản của phép biện chứng duy vật
2.1 Khái quát về nguyên lý: Nguyên lý là những luận điểm xuất phát (tư tưởng chủ đạo) của một học thuyết (lý luận) mà tính chân lý của nó là hiển nhiên, tức không thể hay không cần phải chứng minh nhưng không mâu thuẫn với thực tiễn và nhận thức về lĩnh vực mà học thuyết đó phản ánh. Có hai loại nguyên lý: nguyên lý của khoa học và nguyên lý của triết học. Phép biện chứng duy vật có hai nguyên lý cơ bản. Đó là, nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển.
2.2 Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến
a) Mối liên hệ và mối liên hệ phổ biến
  • Mối liên hệ: là sự tác động (ràng buộc, thâm nhập,...) lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng hay quá trình mà trong đó, sự thay đổi này sẽ tất yếu kéo theo sự thay đổi của cái kia. Đối lập với mối liên hệ là sự tách biệt. Sự tách biệt cũng là sự tác động qua lại giữa các sự vật, hiện tượng hay quá trình nhưng sự thay đổi của cái này sẽ không tất yếu kéo theo sự thay đổi của cái kia. Vạn vật trong thế giới vừa tách biệt vừa liên hệ, vừa là nó vừa không là nó.
  • Mối liên hệ phổ biến: là mối liên hệ giữa các mặt (thuộc tính) đối lập tồn tại trong mọi sự vật, trong mọi lĩnh vực hiện thực.
b) Nội dung nguyên lý:
  • Mọi sự vật, hiện tượng hay quá trình (vạn vật) trong thế giới đều tồn tại muôn vàn mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau. Mối liên hệ tồn tại khách quan, phổ biến và đa dạng.
  • Trong muôn vàn mối liên hệ chi phối sự tồn tại của chúng có những mối liên hệ phổ biến. Mối liên hệ phổ biến tồn tại khách quan, phổ biến; chúng chi phối một cách tổng quát quá trình vận động, phát triển của mọi sự vật, hiện tượng xảy ra trong thế giới.
2.3 Nguyên lý về sự phát triển
a) Sự vận động và phát triển
Vận động: "Vận động hiểu theo nghĩa chung nhất, tức được hiểu là một phương thức tồn tại của vật chất, là một thuộc tính cố hữu của vật chất, thì bao gồm tất cả mọi sự thay đổi và mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ, kể từ sự thay đổi vị trí đơn giản cho đến tư duy" (C.Mác và Ăngghen: Toàn tập, T.20, Nxb Chính trị quốc gia, hà Nội, 1994, tr.519).
Phát triển: là khuynh hướng vận động tiến lên từ thấp đến cao (thay đổi về lượng), từ đơn giản đến phức tạp (thay đổi về chất), từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện (thay đổi về lượng - chất), do việc giải quyết mâu thuẫn trong bản thân sự vật gây ra, được thực hiện thông qua bước nhảy về chất, và diễn ra theo xu hướng theo phủ định của phủ định. Lênin viết: "Hai quan điểm cơ bản... về sự phát triển (sự tiến hóa): sự phát triển coi như là giảm đi và tăng lên, như lập lại;  và phát triển coi như sự thống nhất của các mặt đối lập. Quan điểm thứ nhất thì chết cứng, nghèo nàn, khô khan. Quan điểm thứ hai là sinh động. Chỉ có quan điểm thứ hai mới cho ta chìa khóa của "sự tự vận động",  của tất thảy mọi cái "đang tồn tại"; chỉ có nó mới cho ta chìa khóa của những "bước nhảy vọt", của "sự gián đoạn của tính tiệm tiến", của "sự chuyển hóa thành mặt đối lập", của sự tiêu diệt cái cũ và sự nảy sinh ra cái mới" (V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.379).
b) Nội dung nguyên lý:
  • Mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới đều không ngừng vận động và phát triển.
  • Phát triển mang tính khách quan - phổ biến, là khuynh hướng vận động tổng hợp tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện của một hệ thống vật chất, do việc giải quyết mâu thuẫn, thực hiện bước nhảy về chất gây ra và hướng theo xu thế phủ định của phủ định.

Các ý tưởng chính rút ra được từ chiến lược của ngài W.Buffett

1. Ý tưởng cốt lõi: "Mua những công ty tuyệt vời với giá cả phải chăng và sở hữu chúng suốt đời"
2. Các công cụ để tìm kiếm các công ty tuyệt vời:
2.1 Các nguyên tắc kinh doanh:
  • Nguyên tắc một, các công ty kinh doanh trong những ngành nghề mà bạn am hiểu tường tận.
  • Nguyên tắc hai, các công ty có quá trình sản xuất một mặt hàng hay cung cấp một loại dịch vụ trong nhiều năm.
  • Nguyên tắc ba, các công ty ấy có khả năng phát triển lâu dài.
2.2 Các nguyên tắc quản trị: 
  • Nguyên tắc một, ban giám đốc phải phân bổ vốn liếng của công ty hiệu quả.
  • Nguyên tắc hai, ban giám đốc dám chấp nhận sai lầm cũng như sẵn lòng chia sẻ thành công và chân thật về mọi mặt với cổ đông.
  • Nguyên tắc ba, ban giám đốc có đủ bản lĩnh để tách ra khỏi xu hướng chung sai lầm của các nhà quản trị khác trong ngành.
2.3 Các nguyên tắc tài chính:
  • Nguyên tắc một, chú trọng vào các doanh nghiệp có tỷ số ROE cao hơn 20% và có xu hướng tăng trưởng trong suốt một thời gian dài đã qua. Đồng thời, các công ty sử dụng nợ để tăng ROE nên ở mức độ vừa phải.
  • Nguyên tắc hai, tính toán doanh lợi cổ đông để hiểu chân thật về giá trị công ty. Trong đó, Doanh lợi cổ đông = Lãi ròng + Khấu hao - Chi tiêu tư bản - Vốn hoạt động bổ sung
  • Nguyên tắc ba, các công ty có mức lãi gộp cao. Cụ thể là, ban giám đốc phải chú ý việc giải quyết tệ nạn đội ngũ nhân sự dư thừa hơn mức cần thiết và biết cắt giảm mạnh các chi phí không hợp lý ngay cả khi doanh lợi kiếm được cao kỷ lục hoặc khi chúng bị hạ thấp.
2.4 Các nguyên tắc thị trường:
  • Tính trị giá của công ty bằng cách chiết khấu các dòng tiền ước tính thu được trong tương lai về hiện tại với mức lãi suất trái phiếu 10 năm của chính phủ.
  • Tiến hành mua khi giá thị trường thấp hơn trị giá công ty ở một mức độ an toàn.

Các ý tưởng chính rút ra được từ chiến lược của ngài J.Livermore

1. Ý tưởng cốt lõi: "Thời gian là tất cả mọi thứ" - ý muốn nhấn mạnh rằng thời điểm quyết định tiến hành giao dịch mới là điều quan trọng nhất.
2. Các công cụ để lựa chọn đúng thời điểm tiến hành giao dịch:
2.1 Top down trading:
  • Bước một, tìm hiểu xu hướng chung của thị trường.
  • Bước hai, tìm hiểu các ngành nghề có xu hướng giống với xu hướng chung của thị trường.
  • Bước ba, tìm hiểu ít nhất 2 cổ phiếu cùng thuộc một ngành nghề vừa chọn, lưu ý là 2 cổ phiếu này phải có xu hướng giống với xu hướng của ngành nghề chung đó.
  • Bước bốn, kiểm tra đồng thời 3 bước nêu trên.
2.2 Trade only the leaders: 
  • Bước một, tiến hành giao dịch ở những ngành nghề có xu hướng dẫn dắt xu hướng thị trường (cụ thể là khi những ngành nghề này thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi cùng chiều của thị trường chung).
  • Bước hai, tiến hành giao dịch ở những cổ phiếu có xu hướng dẫn dắt xu hướng của ngành nghề vừa chọn.
  • Bước ba, kiểm tra đồng thời 2 bước trên.
2.3 Pivotal Point Trading: chỉ tiến hành giao dịch tại những điểm quan trọng (những điểm hỗ trợ và kháng cự).